Mặc dù nằm trong nhóm các quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, Nga vẫn đang theo đuổi chiến lược mua thêm kim loại quý hiếm này. Ước tính kho vàng của Nga hiện ở mức gần 2.000 tấn.
Nga và kế hoạch dự trữ vàng
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng có nhiều dấu hiệu bất ổn do các cuộc xung đột thương mại và địa chính trị, theo truyền thống, các quốc gia và các nhà đầu tư vẫn muốn lựa chọn vàng như một giải pháp an toàn.
Một số quốc gia bắt đầu thu hồi vàng từ nước ngoài hoặc tích cực mua kim loại quý hiếm này trong những năm gần đây. Năm ngoái, ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) đã đưa về nước 674 tấn vàng từ các kho cất giữ ở New York, Mỹ và Paris, Pháp từ thời Chiến tranh Lạnh. Đầu năm nay, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin trong năm 2017, nước này đã chuyển 220 tấn vàng từ các hầm vàng ở nước ngoài về Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 28,7 tấn được lấy về từ Mỹ. Cùng thời điểm đó, ngân hàng quốc gia Hungary cũng thông báo kế hoạch thu hồi 3 tấn vàng từ các điểm dự trữ ở London, Anh.
Trong một thập niên gần đây, các ngân hàng trên toàn thế giới đã chuyển từ bán vàng sang mua vàng với tốc độ giao dịch tăng 36%, lên 366 tấn vàng, trong năm 2017 so với năm 2016. Là nước đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia có trữ lượng vàng lớn nhất với gần 2.000 tấn, Nga cũng là nước mua vàng nhiều nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Nga dự trữ gần 2000 tấn vàng
Trong năm 2017, ngân hàng trung ương Nga đã mua 224 tấn vàng thỏi, cùng với 106 tấn vàng được mua trong 6 tháng đầu năm nay. Theo giải thích của ngân hàng Nga, lý do cho chiến lược mua vàng này là nhằm đa dạng hóa nguồn dữ trữ ngoài đồng USD.
Gần 2/3 số vàng của Nga được cho là cất trong kho của ngân hàng trung ương tại Moscow. Số còn lại có thể được dự trữ tại thành phố St. Petersburg và thành phố Yekaterinburg. Vàng của Nga được cho là ở dạng thỏi với trọng lượng từ 100 gram tới 14 kg.
Xu hướng tích trữ vàng của Nga có từ thời Nga hoàng. Vào thời điểm đó, vàng thường được dùng để nâng cao hệ thống tiền tệ của quốc gia. Tới năm 1884, dự trữ vàng của Nga đã ở mức 1.400 tấn và giữ vị trí số một thế giới cho tới năm 1914.
Dự trữ vàng của Nga sụt giảm đáng kể vào thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ nhất và Cách mạng Nga khi Nga phải thanh toán các khoản vay cho các ngân hàng nước ngoài. Phần lớn số vàng được dự trữ từ thời Nga hoàng đã được sử dụng dưới thời chính quyền Bolshevik để mua lương thực và các trang thiết bị công nghiệp. Đến thời điểm năm 1928, Nga chỉ còn 150 tấn vàng trong kho dự trữ.
Trong kỷ nguyên của nhà lãnh đạo Stalin, người tin rằng vàng là một trong những trụ cột chính cho tiến trình công nghiệp hóa kinh tế nhanh chóng, dự trữ vàng của Nga bắt đầu tăng trở lại. Dự trữ vàng của Nga đã tăng lên 2.500 tấn trong thời kỳ này, nhưng sau đó giảm dần xuống còn 290 tấn vào tháng 10/1991.
Các mỏ vàng của Nga hầu hết nằm ở khu vực Magadan thuộc vùng Viễn Đông Nga. Kim loại quý hiếm này cũng được tìm thấy tại các mỏ ở Chukotka, Yakutia, Irkutsk và vùng Amur, Zabaykalsky Krai, cũng như tại các khu vực Sverdlovsk, Chelyabinsk, Cộng hòa Buryatia và Bashkortostan. Công ty Polyus Gold của Nga là một trong 10 công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới.
Thành Đạt
Theo RT