Những bãi chôn lấp quá tải, những lò đốt quần áo bị nhồi nhét, sự lãng phí nguyên liệu… là những vấn đề cấp bách đang tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang. Những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới môi trường và thiên nhiên hối thúc các nhà mốt phải ráo riết tìm ra giải pháp trước khi quá muộn. Thời trang phát triển bền vững trở thành một xu hướng, một hướng đi không thể tránh khỏi cho tương lai. Và thành tựu đã bắt đầu xuất hiện qua những món phụ kiện đơn giản hay cả những bộ đồng phục nơi công sở cũng đang được áp dụng theo xu hướng thời trang bền vững.
Chất liệu vải và da làm từ trái cây
Thông thường những sợi vải được chế tạo từ cây bông tự nhiên. Nhưng trên thực tế, do lạm dụng thuốc trừ sâu trong việc trồng và chăm sóc nên cây bông không còn thân thiện với môi trường nữa. Ngoài ra, người ta còn thay thế sợi bông bằng sợi tổng hợp (polyester) khiến cho môi trường bị ảnh hưởng xấu hơn do polyester rất khó phân huỷ, lại thêm việc khai thác quá mức nguồn da động vật cũng góp phần cho môi trường tệ đi.
Vì thế, đề xuất mới về nguyên liệu dệt chính là từ trái cây, cụ thể là loại vải hoặc da được tạo ra từ sơ chuối hoặc sơ trái dứa. Gần đây, thương hiệu Piñatex đã đưa vào thị trường loại da bằng sơ trái dứa có giá thị trường chỉ bằng một nửa giá da bò. Đây sẽ là triển vọng mới cho thời trang “xanh” từ lợi thế nguyên liệu có giá thành thấp và bảo vệ môi trường.
Túi làm từ nấm lên men
Công trình nghiên cứu thuộc công ty Modern Meadow, có trụ sở tại New Jersey, Mỹ đã làm nên một bước đột phá trong ngành may mặc bằng phương pháp áp dụng công nghệ lên men tế bào nấm để tạo ra các sợi collagen. Các sợi collagen được ép khuôn và phơi khô (theo quy trình thân thiện với môi trường) để tạo ra một loại da thay thế cho da bò gọi là da sinh học.
Theo dự đoán, loại da này sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2020. Sự thân thiện với môi trường của da sinh học phần nào giúp giảm thiểu tình trạng khai thác da động vật quá tải như hiện nay. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác từ hãng Bolt Threads là áp dụng công nghệ lên men nấm để tạo ra vải lụa cũng đang được thực hiện và hứa hẹn cung cấp cho ngành thời trang nguồn nguyên liệu đa dạng.
Màu nhuộm thiên nhiên
Việc sử dụng hoá chất nhuộm màu trong may mặc chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên theo nghiên cứu mới đây, màu nhuộm hoá học có thể thay thế bằng màu nhuộm có nguồn gốc thực vật. Các nhà khoa học cho biết, màu nhuộm thiên nhiên vẫn có thể kết hợp để tạo ra các màu đẹp mắt và sẽ mang sắc thái tự nhiên hơn.
Ủng hộ việc mặc đồ len tái chế
Len tự nhiên từ lâu đã là chất liệu cổ điển trong may mặc. Nhưng để bảo vệ lợi ích môi trường sống thì việc tái chế những nguyên liệu thân thiện trong công nghiệp thời trang là điều cần thiết. Cần giảm thiểu khai thác lông cừu và lông dê, đồng thời bảo vệ động vật ở mức cân bằng với môi trường sinh thái bằng việc nâng cao cơ hội phát triển cho thời trang bền vững.
“Life in motion” show 2019 và hành trình thời trang xanh
Để tạo nên nền công nghiệp thời trang phát triển bền vững tại Việt Nam, ngày 12/06/19 tại Landmark 81 vừa qua, Công ty Cổ phần Kết Nối Thời Trang FASLINK, một trong những đơn vị cung ứng nguyên liệu hàng đầu tại Việt Nam đã tổ chức trình diễn các Bộ sưu tập với chủ đề “Life in motion”.
Sự kiện hướng đến câu chuyện tư duy xanh hóa nhằm truyền tải thông điệp trách nhiệm của người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất về việc sử dụng chất liệu “xanh” trong thời trang may mặc với 2 dòng chất liệu công nghệ chủ đạo Smart và Green. Nguyên liệu được các nhà sản xuất ưu tiên là loại vải sợi được làm từ bã cà phê bỏ đi, vải sợi sen, Green cotton, Eco-dyed và nguyên liệu tái chế.
Tại sự kiện, bà Trần Hoàng Phú Xuân – Tổng giám đốc Faslink có chia sẻ rằng: “Tôi tiếp nối truyền thống gia đình, nghiên cứu và dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh vải từ khá sớm. Tôi may mắn sống trong thời đại mà thời trang Việt Nam có khá nhiều biến động, chứng kiến những con đường bán vải, bán các mặt hàng thời trang mọc lên như nấm. Rồi thời đại số cũng đến, sự chuyển mình của thời trang, vải vóc cũng phải từ đó mà đổi thay. Nếu chỉ thay đổi và sáng tạo về kiểu dáng mà bỏ quên câu chuyện cốt lõi của thời trang – nguyên liệu vải, có lẽ sớm hay muộn, các nhãn hàng thời trang sẽ bị chính áp lực từ thị trường đào thải”.
Đến với “Life in Motion” show 2019, giới thời trang được trao quyền kiến thức xanh và môi trường xanh. Qua đó khẳng định tầm nhìn thương hiệu khi hướng đến những giá trị bền vững: một cộng đồng xanh, một tương lai xanh – nơi mà những người tiêu dùng thông minh luôn biết lựa chọn cho mình những chất liệu “siêu công năng”, hợp phong cách, tốt cho sức khỏe và thân thiện môi trường.
Chúng ta đang chứng kiến sự lột xác từ một nền kinh tế chuộng thời trang nhanh sang một nền kinh tế tuần hoàn không rác thải. Ngành công nghiệp thời trang, bất chấp đã từng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, có thể trở thành ngọn đuốc tiên phong cho cuộc cách mạng xanh toàn cầu.
>> Xem thêm: “Life in Motion” show 2019 – Kỷ nguyên mới của lĩnh vực Thời Trang và Nguyên Liệu