VietTimes – Tại Triển lãm Vietnam Expo 2018 diễn ra tại Hà Nội từ 11 – 14/3/2018, Liên bang Nga là khách mời đặc biệt của Ban tổ chức với nhiều doanh nghiệp trong đó có lĩnh vực CNTT. Trong khuôn khổ sự kiện này, chiều 11/4 các doanh nghiệp CNTT Nga đã có buổi tọa đàm để giới thiệu các công nghệ và sản phẩm của mình. Với tư cách là đối tác tổ chức tọa đàm, ông Nguyễn Việt Hải – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã có cuộc trao đổi:
Trước hết, xin ông cho biết một vài cảm nhận về các đối tác CNTT của nước Nga đã sang Việt Nam nhân triển lãm Vietnam Expo 2018 và có mặt trong cuộc tọa đàm hôm nay?
Có thể nói, với nhiều người ít có quan hệ với nước Nga thì qua buổi tọa đàm này sẽ cảm nhận là họ đã có những sản phẩm rất mới cùng những bước tiến lớn trong lĩnh vực CNTT. Nếu nhìn ở tầm quốc gia về những sản phẩm này, khi mà giá cả không phải là điều quan trọng nhất mà vấn đề là chất lượng, dịch vụ, thì khả năng đáp ứng yêu cầu là quan trọng hơn. Nhất là khi vận hành trong thời gian dài thì giá cả để làm ra sản phẩm không phải là quan trọng mà sự đảm bảo để sản phẩm vận hành tốt sẽ quan trọng hơn nhiều. Những sản phẩm được giới thiệu tại buổi tọa đàm hôm nay rất dễ ứng dụng trong cuộc sống.
Có thể có nhiều người cho rằng nền công nghiệp điện tử của nước Nga là kém. Điều đó đúng nhưng chỉ ở mức độ đại chúng vì không có chỗ đứng với thị trường điện tử tiêu dùng. Công nghiệp điện tử của nước Nga ở những lĩnh vực quan trọng rất hiện đại, chẳng hề thua kém sản phẩm của phương Tây. Bản thân người Nga và nước Nga vẫn phải vươn lên để cạnh tranh với các công nghệ và giải pháp của phương Tây. Tất nhiên, sản phẩm của Nga không thể bán cho đại chúng như của phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc vì không có giá thành cạnh tranh. Song với các thị trường chuyên dụng như về thành phố thông minh, an ninh mạng, robot… thì giá cả rất phải chăng và thực sự cạnh tranh với phương Tây. Thậm chí, công nghệ và giải pháp của Nga còn được các đối tác Hàn Quốc mong muốn mua về để trang bị cho thủ đô Seoul của họ. Vì thế, tôi nghĩ là các giải pháp và công nghệ của Nga cũng là những sự lựa chọn tốt cho thị trường Việt Nam.
Ông nghĩ gì về triển vọng của các công nghệ và giải pháp của Nga với thị trường Việt Nam?
Hiện nay, rất nhiều công ty của Nga đang tích cực thâm nhập thị trường Việt Nam. Và họ cũng có những ưu thế nhất định với các thị trường như y tế, giáo dục, khoa học… Đó là những thứ mà chúng ta đang thực sự cần thiết và nếu mà vận dụng được những sự đầu tư, những mối quan hệ của họ thì sẽ là rất tốt cho các nhu cầu của Việt Nam.
Tôi muốn lấy ví dụ điển hình trong buổi hội thảo hôm nay là về sản phẩm robot dân dụng của Nga. Đó là sản phẩm được nhiều nước Châu Âu dùng mà cụ thể là Phần Lan thì không có lý gì để Việt Nam lại không dùng.
Liệu rằng, với tư cách từng là người đã từng học tập ở Liên Xô trước đây và có mối quan hệ tốt với nước Nga, phải chăng ông đang có phần thiên vị cho các sản phẩm và công nghệ của nước Nga hay không?
Theo tôi, Việt Nam chúng ta đã từng thích nghi rất nhanh chóng. Và suốt nhiều năm qua, từ chỗ chỉ quen với sản phẩm, công nghệ của Liên Xô và các nước Đông Âu thì chúng ta đã chuyển sang sử dụng công nghệ của Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nói chung, chúng ta có rất nhiều lựa chọn về sản phẩm và công nghệ. Khi phải lựa chọn một sản phẩm, công nghệ nào đó thì có lẽ khó ai có thể thiên vị cho một đối tác nào cả nếu như không đáp ứng được các nhu cầu đặt ra, không vừa với chi phí có thể bỏ ra. Tình cảm là một chuyện nhưng hiệu quả của công việc lại là chuyện khác. Vì thế, sự thiên vị ở đây chắc chắn sẽ không thể xảy ra.
Ông nghĩ gì về tương lai của ngành CNTT nước Nga, nhất là ngày nay nước Nga đã trở lại vị thế của một siêu cường?
Theo tôi, CNTT là một thị trường toàn cầu và hôm nay, các doanh nghiệp CNTT của Nga đã giới thiệu rất nhiều công nghệ, giải pháp của họ. Họ đang cung cấp công nghệ và giải pháp cho rất nhiều nước, kể cả các nước công nghiệp phát triển. Điều đó nói lên một thực tế là nền CNTT của nước Nga đang có một nền tảng khoa học công nghệ rất tốt nhiều năm qua và họ vẫn đang tiếp tục phát triển. Nếu chúng ta cộng tác được với họ thì sẽ là điều rất tốt để CNTT Việt Nam nâng tầm của mình và thậm chí là rút ngắn được khoảng cách về số hóa so với các nước khác.
Xin cám ơn ông!