Khi vai trò của robot ngày càng quan trọng hơn, các kỹ sư trên toàn thế giới đã tập trung vào việc phát triển nhiều loại robot mới có thể vận hành tự động trong nhiều lĩnh vực, từ chiến đấu cho tới chăm sóc sức khỏe. Nga cũng không phải là ngoại lệ và thậm chí một số robot của Nga còn dẫn dầu thế giới trong một số lĩnh vực.
Robot dưới nước
Tuần này, các kỹ sư từ công ty công nghệ nhà nước Nga Rostec đã cho ra mắt “Nerpa” – một thiết bị lặn không người lái dưới nước không giống bất kỳ mẫu robot nào từng được phát triển bởi các công ty quốc phòng lớn hiện nay. “Nerpa”, tên một loài hải cẩu, có thể hoạt động ở độ sâu lên tới 50m và hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần tiếp nhiên liệu trong 4 giờ đồng hồ với vận tốc 1,8 km/giờ.
Được thiết kế để bảo vệ các cảng, cầu, tàu thuyền và căn cứ hải quân khỏi các thợ lặn chiến đấu và những kẻ khủng bố, “Nerpa” được thiết kế “có một không hai” với một khẩu súng tấn công có thể hoạt động dưới nước. Ngoài ra, Rostec cũng đang nghiên cứu để trang bị thêm các loại vũ khí khác đi kèm với “Nerpa”.
Robot trên không
Tại lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng hồi tháng 5 ở Moscow, quân đội Nga đã giới thiệu hai mẫu thiết bị bay không người lái mới được sản xuất nội địa là Korsar và Katran. Đây là các máy bay không người lái có khả năng tấn công đầu tiên của Nga và được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát và tình báo.
Ngoài ra, các kỹ sư Nga cũng đang lên kế hoạch đưa FEDOR, một robot có ngoại hình giống con người, vào không gian. Được chế tạo từ năm 2014, FEDOR có thể tự tra chìa khóa, dập lửa, bước vào xe ô tô, sử dụng cưa và thực hiện các thao tác hàn. Thậm chí, những người phát triển mẫu robot này còn “dạy” FIDOR cách sử dụng bắn súng bằng hai tay. FEDOR dự kiến sẽ được đưa lên quỹ đạo không gian vào năm 2021.
Robot mặt đất
Các kỹ sư Nga cũng đã chế tạo một loạt các robot hiện đại và triển khai chúng tới Syria để tham gia các hoạt động trên mặt đất của quân đội Nga ở đây.
Với thiết kế lai giữa xe tăng và xe ủi, Uran-6 là cỗ máy nặng 6 tấn được điều khiển từ xa giúp các hoạt động rà phá bom mìn diễn ra hiệu quả và an toàn hơn. Uran-6 có khả năng chịu được các vụ nổ lớn và từng được Nga sử dụng để rà phá bom mìn tại các ngôi làng ở Syria sau khi phiến quân khủng bố rút đi.
Uran-9, phiên bản ấn tượng hơn của Uran-6, cũng đã được Nga “trình làng” hồi tháng 5. Uran-9 được thiết kế để phá hủy các xe tăng và công sự của đối phương. Là phương tiện chiến đấu mặt đất không người lái (UCGV) với trọng lượng 12 tấn, Uran-9 được trang bị súng tự động 2A72 30mm, súng máy PKTM 7.62mm, tên lửa chống tăng Ataka và thậm chí cả súng phóng lựu nhiệt áp Shmel-M.
Một UCGV khác đang được Nga phát triển là Soratnik. Khi được triển khai, xe chiến đấu tự động này có thể phán đoán, do thám và tấn công các mục tiêu trong khi sử dụng dữ liệu từ mạng lưới các máy bay trinh sát không người lái. Ngoài ra, các kỹ sư Nga cũng đang phát triển một xe chiến đấu bộ binh (IFV) điều khiển từ xa có tên gọi Vikhr.
Kalashnikov, một hãng sản xuất vũ khí nổi tiếng của Nga, đang hướng tới các công nghệ tương lai bằng cách cho ra đời một robot chiến đấu. Robot 2 chân cao 4m này đã được trưng bày tại triển lãm quân sự Army-2018. Robot nặng 4,5 tấn có khả năng di chuyển bằng 2 chân và được vận hành bởi người ngồi bên trong. Buồng lái được bọc thép chống đạn, có thể ngăn ngừa các vũ khí nguy hiểm bay tới tấn công người điều khiển ngồi bên trong robot. Robot cũng có thể mang theo vũ khí tấn công.
Robot phẫu thuật
Để cứu mạng sống của những người đang gặp nguy hiểm ngoài chiến trường, Nga cũng đang phát triển các robot với sứ mệnh hỗ trợ cho các ca phẫu thuật phức tạp. Thậm chí những người phát triển còn cho rằng robot của Nga có thể vượt mặt các robot phẫu thuật Da Vinci do Mỹ sản xuất.
Việc sử dụng robot sẽ cho phép các bác sĩ giám sát ca phẫu thuật thông qua màn hình 2D cũng như 3D, đồng thời chỉ tạo ra rất ít vết cắt hay rạch trên cơ thể người bệnh. Dự kiến được sản xuất hàng loạt trong 2 năm tới.
Tốc độ phát triển robot của Nga đang diễn ra nhanh tới mức các nghị sĩ thậm chí còn đề xuất xây dựng các quy chuẩn đặc biệt để kiểm soát vấn đề này trong tương lai gần. Chủ tịch Duma (Hạ viện) Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin coi các vấn đề liên quan tới trí tuệ nhân tạo là “ưu tiên hàng đầu”.
“Câu hỏi liên quan tới mối quan hệ giữa con người với trí tuệ nhân tạo, giữa con người với robot, là vấn đề mà chúng ta phải đưa vào các dự luật trong tương lai gần nhất”, ông Volodin nói.
Tại triển lãm công nghệ ở thành phố Perm vào tháng 9/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng bắt tay một robot khi robot này tự giới thiệu về mình.